Posted by: datmatduong | April 8, 2011

Thị xã Sơn Tây: Đất lúa bị “xẻ thịt”

Bộ NN&PTNT vừa trình Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa toàn quốc đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 với mục tiêu bảo đảm giữ vững 3,8 triệu héc ta đất lúa”. Trong khi cả nước lo giữ đất lúa ổn định thì ở xã Cổ Đông (Sơn Tây), việc sử dụng đất lúa sai mục đích lại diễn ra giữa ban ngày.

 
Dự án “nhòm ngó” đất lúa

 
Chiều 1-4, có mặt tại khu đồng Cửa Đỗ- Suối Ốc, thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn mét vuông đất hai vụ lúa đã biến thành hồ nước. Men theo hồ nước này là đất vườn, ao hồ, đất trồng cây hằng năm và đất thủy lợi (Suối Ốc) đã được chủ đất xây kín cổng, cao tường… Theo các hộ thôn Đồng Trạng, khu hồ nhân tạo mới được lập nên này vốn là đất sản xuất nông nghiệp chuyên lúa và đất vườn của nhiều hộ dân. Cách đây khoảng 5 năm, 2 hộ có ruộng giáp cống Cửa Đỗ đã tự chặn cửa cống để lấy nước thả cá, còn các hộ khác vẫn cấy lúa. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đông Bùi Văn Thịnh, mới đây UBND xã đã nhận được thông tin và đang xác minh việc ông Nguyễn Thanh Hải, người địa phương đã mua gom tất cả diện tích đất ở khu đồng Cửa Đỗ – Suối Ốc với diện tích khoảng 5ha (gồm cả đất 2 vụ lúa, đất vườn, ao hồ, thủy lợi…) của các hộ. Khoảng 3 tháng trở lại đây, có người đã đắp chặn cống tiêu Cửa Đỗ lại để ngăn nước, biến khu đồng cấy 2 vụ lúa thành hồ lớn. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Đồng Trạng Nguyễn Quang Sáng cho biết, do cống Cửa Đỗ bị chặn nên cánh đồng Gốc Mít phía dưới thường xuyên thiếu nước.

 
So với bản đồ xã Cổ Đông đo năm 2002, diện tích đất hai lúa bị biến thành đất hồ rộng 10.245m2 gồm 4 thửa: thửa 101 diện tích 5.085m2, thửa 127 là 1.876m2, thửa 141 là 3.119m2 và thửa 1.444 diện tích 163m2. Ngoài ra, 4 thửa khác vốn là đất trồng cây hằng năm, đất vườn, đất ao hồ, thủy lợi (Suối Ốc) gồm các thửa 102, 136, 121, 131 với tổng diện tích đất 17.580m2 và 30.000m2 đất khác của các hộ đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng dù chưa được ai phê duyệt.

 
Điều đáng nói là diện tích đất trên chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp nhưng theo nhiều người dân địa phương, chủ đầu tư gom đất không nhằm mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà đang có ý định “chạy” dự án để làm du lịch(?) Nếu dự án này “trôi” thì tình trạng chuyển đổi bừa bãi hoặc đẩy giá đất lên cao sẽ khiến công tác quản lý đất đai trở nên hết sức phức tạp.

 
Có hay không chuyện “bật đèn xanh”?


Mặc dù cánh đồng Cửa Đỗ – Suối Ốc bị chuyển đổi sai mục đích từ lâu, chủ thu gom đất đã xây tường bao, cổng sắt giữ đất, chặn cống tiêu Cửa Đỗ… nhưng ông Hà Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Cổ Đông cho rằng: Xã mới chỉ nhận được thông tin từ ngày 24-3, qua đơn thư nặc danh. Ông Sơn lý giải rằng, Cổ Đông quá rộng, tổng diện tích là 2.500ha trong khi số cán bộ cũng chỉ như các xã khác. Đáng chú ý, thị xã Sơn Tây liên tục thay đổi cán bộ địa chính xã, từ năm 2006 đến nay, xã 6 lần thay cán bộ địa chính, trong đó có người do thị xã cử về, rất khó khăn trong nắm đồng đất nên không kịp thời phát hiện sai phạm. Ông Sơn cũng khẳng định, khu đồng Cửa Đỗ – Suối Ốc chưa được quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao vi phạm xảy ra đã lâu, UBND xã lại không kịp thời phát hiện thì ông Chủ tịch chỉ im lặng.

 
Việc tự ý chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác là vi phạm Luật Đất đai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an trên địa bàn, gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù tình trạng trên kéo dài đã lâu song các cấp chính quyền xã Cổ Đông lại không hề biết? Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phan Thị Hảo, tình hình quản lý, sử dụng đất đai ở Cổ Đông hết sức phức tạp, nhiều cán bộ của xã này đã vi phạm, bị xử lý. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả là rất tốt, UBND thị xã khuyến khích nhưng phải đúng quy trình và chỉ trên cơ sở sản xuất lúa ở đó thực sự kém hiệu quả. UBND thị xã Sơn Tây sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã Cổ Đông kiểm tra, có biện pháp xử lý.

 
Bài học ở Cổ Đông trong buông lỏng quản lý đất đai một thời gian dài trước đây khiến một số cán bộ chủ chốt của xã bị cơ quan pháp luật khởi tố, xử lý vẫn còn đó. Tuy nhiên, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi, vì sao hàng ngàn mét vuông đất 2 lúa chuyển đổi sai mục đích vẫn ngang nhiên tồn tại? Vì sao việc chuyển đổi đất nông nghiệp “giữa ban ngày” mà chính quyền địa phương lại không biết để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời? Sự việc trên cần được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

 
(Theo Hà Nội Mới)


http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/Xa-hoi/484873/thi-xa-son-tay-%C4%91at-lua-bi-xe-thit.htm

Posted by: datmatduong | April 4, 2011

Xây mới 3,5 triệu mét vuông nhà ở

Đây là một trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm mà Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định trong kế hoạch thực hiện ở 3 tháng đầu năm 2011 và nhiệm vụ 9 tháng còn lại của năm. Ngoài ra, việc phát triển mạng lưới cấp nước, vệ sinh môi trường cũng được đặc biệt quan tâm.

 
Tiếp tục xoá lò gạch thủ công
Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2011, công tác quản lý cấp phép xây dựng tiếp tục được tăng cường, việc kiểm tra công trình sau cấp phép đã thường xuyên hơn. Trong đó, đã cấp 13 GPXD. Về phát triển và quản lý nhà, khu đô thị, sở đã đăng ký được 40 hợp đồng thuê nhà; thụ lý hồ sơ cấp được 170 chứng chỉ môi giới và định giá bất động sản. Đối với công tác bán nhà theo Nghị định số 61 đã thẩm hồ sơ chuyển quận, huyện cấp GCN 371 hồ sơ. Lập danh sách hỗ trợ gia đình cán bộ hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa trình UBND thành phố duyệt.

 
Sở đã đôn đốc các đơn vị duy trì sản xuất và cung cấp nước với công suất 750.000m3/ngày đêm. Tỉ lệ người dân đô thị hưởng nước sạch đạt 96-97%; với tiêu chuẩn trung bình 130 lít/người/ngày đêm. Thực hiện dự án cải tạo nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cấp nước cho các khu vực còn lại của quận Hoàng Mai. Về thoát nước đô thị, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trên các đường giao thông cạnh các tuyến mương sông thoát nước và tiến hành thi công nạo vét bùn, đất hồ Linh Đàm thuộc dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II.

 
Về vệ sinh môi trường, đã phê duyệt dự toán duy trì xử lý nước, rác thải tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn; phê duyệt dự toán duy trì thường xuyên vệ sinh môi trường trên địa bàn 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Đối với công tác hạ ngầm, sắp xếp các đường dây cáp đi nổi trên địa bàn thành phố, sở đã tham gia ý kiến phương án thiết kế công trình ngầm HTKT đô thị lắp đặt các đường dây cáp thông tin, điện lực dự án đường trục phát triển thị xã Sơn Tây.
Riêng vấn đề nghĩa trang, sẽ chuẩn bị, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hoả táng tại quận Hà Đông, huyện Đông Anh. Tiếp tục đôn đốc các sở, ngành liên quan, UBND huyện Sóc Sơn trong việc đầu tư xây dựng nghĩa trang tập trung của thành phố tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn; chỉ đạo chủ đầu tư Dự án nghĩa trang Yên Kỳ hoàn thiện và chuẩn bị trình Sở Quy hoạch – Kiến trúc quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 của dự án.

 
Về quản lý quy hoạch VLXD, sẽ tiếp tục đôn đốc các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của thành phố về việc xoá bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường. Dự kiến trong tháng 4.2011 trình UBND thành phố đề cương, dự toán xây dựng chương trình sản xuất vật liệu xây không nung của thành phố.

 
Cải tạo chung cư cũ: Chậm tiến độ, sẽ thu hồi
Nhằm đảm bảo kế hoạch trong 9 tháng còn lại của năm 2011, Sở Xây dựng cho biết, sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện phát triển nhà ở theo các dự án đảm bảo đồng bộ HTKT, HTXH và dịch vụ đô thị. Tập trung triển khai chỉ đạo của Chính phủ, thành phố về phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Xây dựng và triển khai thực hiện các quy định quản lý các dự án KĐT mới, khu nhà ở sau đầu tư. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu năm 2011 xây mới khoảng 3,5 triệu mét vuông nhà ở. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, Nguyên Khê (huyện Đông Anh); nhà ở xã hội tại KĐT mới Việt Hưng; nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Pháp Vân, Tứ Hiệp – huyện Thanh Trì, Mỹ Đình II – quận Cầu Giấy, Đồng Mai – quận Hà Đông; nhà ở cho công nhân KCN Phú Nghĩa – huyện Chương Mỹ, Sóc Sơn, Hoà Lạc và nhà ở cho người thu nhập thấp tại KĐT mới Sài Đồng; Khu Ngoại giao đoàn (huyện Từ Liêm), Thanh Lâm – Đại Thịnh (huyện Mê Linh), khu Ngô Thì Nhậm – quận Hà Đông…

 
Hoàn thành trình thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án phát triển nhà ở đến năm 2010 – 2020. Tham gia phối hợp khớp nối, điều chỉnh các dự án, đồ án khu vực từ vành đai III đến sông Đáy đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm quy hoạch, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật – xã hội.

 
Chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn Hà Nội. Tiếp tục rà soát, báo cáo UBND thành phố kiên quyết thu hồi nhiệm vụ đã giao cho các đơn vị lập quy hoạch, lập dự án cải tạo chung cư cũ, nhưng tiến độ không đáp ứng yêu cầu nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ cải tạo các khu chung cư cũ.

 
Hoàn thành các quy hoạch chuyên ngành cấp nước; thoát nước và xử lý nước thải; vườn hoa cây xanh; xử lý chất thải rắn; nghĩa trang đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đầu tư hệ thống mạng lưới truyền dẫn và phân phối để tiếp nhận, phát huy hiệu quả nguồn nước mặt sông Đà và nâng công suất một số nhà máy nước và trạm cấp nước sạch; các dự án cấp nước cho một số khu vực trên địa bàn phía bắc sông Hồng, quận Hà Đông; thị xã Sơn Tây, huyện Từ Liêm.

 
Ngoài ra, sẽ khởi công trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu (13.000m3/ngày đêm); đẩy mạnh công tác xã hội hoá, tổ chức tốt công tác thu gom, vận chuyển, chôn lấp và xử lý rác thải trên địa bàn, không để rác tồn đọng qua ngày và tiếp tục triển khai các dự án đầu tư nghĩa trang tập trung tại các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, mở rộng nghĩa trang Thanh Tước và một số nghĩa trang khác.

 

 

(Quang Hiệu – Lao Động)

http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Xay-moi-35-trieu-met-vuong-nha-o/38396

 

Older Posts »

Categories